Hôm nay, ngày 5/11/2019, tại Hà Nội, cùng với việc ra mắt chính thức, Công ty SenSecures Vietnam cũng công bố các nhóm dịch vụ an toàn thông tin sẽ cung cấp ra thị trường. Việt Nam được SenSecures chọn là điểm đến đầu tiên trong khu vực ASEAN. Sự kiện ra mắt Công ty SenSecures Vietnam có sự tham dự của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin (ATTT) Việt Nam – VNISA; Cục trưởng Cục ATTT (Bộ TT&TT) Nguyễn Huy Dũng; Phó Chủ tịch VNISA Võ Văn Mai. Cũng tại sự kiện, SenSecures đã công bố việc hợp tác với các hãng McAfee, Menlo Security và Proofpoint. Đây là các đối tác cung cấp nền tảng công nghệ cho các sản phẩm, dịch vụ của SenSecures. Được thành lập tháng 5/2019, Công ty TNHH một thành viên SenSecures kế thừa kinh nghiệm và sự am hiểu thị trường trong lĩnh vực ATTT của đội ngũ sáng lập gồm những chuyên gia, nhà quản lý có kinh nghiệm làm việc trong ngành ICT nói chung, lĩnh vực ATTT nói riêng từ 10 đến hơn 30 năm tại Việt Nam và khu vực. Xác định sứ mệnh của đơn vị mình là đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc ứng phó với vấn đề ATTT, SenSecures sẽ cung cấp cho các doanh nghiệp những dịch vụ ATTT với công nghệ mới, dễ dàng tiếp cận và phù hợp với đặc thù của từng doanh nghiệp. Cụ thể, theo công bố của SenSecures, các nhóm dịch vụ chính sẽ được Công ty cung cấp tới các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam thời gian tới gồm có: dịch vụ đào tạo nhận thức ATTT; dịch vụ đào tạo chuyên sâu phân tích mã độc; dịch vụ tư vấn đánh giá ATTT cho doanh nghiệp; dịch vụ tư vấn phân loại dữ liệu và chống thất thoát dữ liệu; dịch vụ tư vấn xây dựng Trung tâm vận hành giám sát ATTT; dịch vụ tư vấn xây dựng chương trình phản ứng khi có sự cố ATTT; dịch vụ ATTT thuê ngoài; dịch vụ ngăn chặn hiểm họa qua Web/Email dựa trên nền tảng công nghệ cách ly; dịch vụ chống tấn công từ chối dịch vụ; dịch vụ bảo mật ứng dụng đám mây; và dịch vụ mạng phân phối nội dung. Đại diện SenSecures nhấn mạnh, trong một thế giới kết nối, ATTT ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự thiếu hụt nguồn lực và cách tiếp cận truyền thống không còn phù hợp, luôn đặt doanh nghiệp trước các rủi ro và ứng dụng thụ động với các thách thức ATTT. Các doanh nghiệp cũng như tổ chức nhà nước cần có những giải pháp và cách tiếp cận mới phù hợp để chủ động ứng phó toàn diện hơn. “Vì thế, SenSecures ra đời và kỳ vọng qua việc cung cấp những dịch vụ, giải pháp sử dụng những cách tiếp cận mới sẽ giúp các tổ chức, doanh nghiệp lấp đầy các thiếu hụt trong việc đảm bảo năng lực ứng phó với các thách thức ATTT từ Công nghệ – Quy trình – Con người”, đại diện SenSecures cho hay. Chia sẻ về lý do SenSecures chọn Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực ASEAN để triển khai cung cấp dịch vụ, ông Shum Mew Toong, Giám đốc điều hành Công ty nhấn mạnh đến tiềm năng phát triển kinh tế số của thị trường Việt Nam. Dẫn con số thống kê của các tổ chức nghiên cứu, ông Shum Mew Toong cho hay, từ năm 2015 cho đến 2018, kinh tế số Việt Nam tăng trưởng trung bình 38%/năm. Trong bức tranh tổng thể về tỷ lệ tăng trưởng của nền kinh tế số so với sự tăng trưởng GDP, hiện Việt Nam cùng với Indonesia là 2 nước dẫn đầu khu vực về hàm lượng kinh tế số trong tăng trưởng chung của GDP. Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội rất lớn từ kinh tế số, đại diện SenSecures cũng nhận định các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam phải đối mặt với những thách thức lớn trong đảm bảo ATTT mạng. Phát biểu tại sự kiện, cho biết hiện hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam đã tương đối đầy đủ, Cục trưởng Cục ATTT Nguyễn Huy Dũng đề nghị SenSecures tìm hiểu, nắm bắt những quy định, quy phạm pháp luật của Việt Nam để có thể tuân thủ một cách chặt chẽ: “Kinh doanh dịch vụ an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, Cục An toàn thông tin sẵn sàng hướng dẫn, chia sẻ để SenSecures có điều kiện tốt nhất để tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam”. Người đứng đầu Cục ATTT cũng bày tỏ mong muốn với sự tham gia của các đối tác toàn cầu, SenSecures sẽ mang đến những tri thức, đặc biệt là những quy trình cung cấp và quản lý chất lượng một cách chuyên nghiệp nhất vào thị trường Việt Nam, kết hợp với nhân lực tại thị trường Việt Nam để giải quyết được những bài toán cụ thể của các cơ quan, tổ chức nhà nước tại Việt Nam. “Chúng tôi mong muốn Việt Nam trở thành một nơi thu hút được ngày càng nhiều những doanh nghiệp toàn cầu đến hợp tác kinh doanh, phát triển, hướng tới đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm phát triển sôi động về an toàn, an ninh mạng của khu vực và thế giới”, ông Dũng nói. |
Có thể bạn quan tâm